Delta và Alpha đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm (VOC). Chúng có khả năng lây truyền cao hơn phiên bản virus gốc, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng dịch và sức khỏe cộng đồng. Delta có tên khoa học là B.1.617, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, lây lan nhanh và có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Alpha có tên khoa học là B.1.1.7, xuất hiện lần đầu ở Anh vào tháng 9/2020, cũng có tốc độ lây nhiễm cao.
Đây là hai biến chủng chủ yếu trong đợt dịch kéo dài hơn 4 tháng qua ở Việt Nam.
Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế ngày 6/10, cập nhật về các triệu chứng lâm sàng liên quan biến chủng Delta và so sánh với chủng Alpha. Theo đó, trong giai đoạn khởi phát, thời gian ủ bệnh của người nhiễm 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày, thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Với biến chủng Alpha, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... Với biến chủng Delta, bệnh nhân đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.
Diễn biến bệnh cũng được phân loại theo hai biến chủng chủ yếu hiện nay. Cụ thể, với chủng Alpha, 80% có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng, diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU).
Đối với chủng Delta, tỷ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4,2% của chủng Alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Biến chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra, chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.
Thống kê của Bộ Y tế, khoảng 9,5% người bệnh Covid-19 có nhu cầu thở oxy từ nhẹ gồm mask, gọng kính, dòng cao đến nặng như thở máy không xâm nhập, xâm nhập, ECMO.
Bệnh nhân thở máy qua nội khí quản tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngày 19/7. Ảnh:Thành Nguyễn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhiều lần nhấn mạnh biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh. Nồng độ virus trong dịch hầu họng các bệnh nhân cao gấp khoảng nghìn lần so với các chủng nCoV trước. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều này.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet hôm 27/8, phân tích hơn 40.000 trường hợp dương tính nCoV ở Anh, cho thấy biến chủng Delta gây triệu chứng nặng hơn các biến chủng khác. Người nhiễm Delta trung bình trẻ hơn. Tính toán các yếu tố liên quan đến bệnh trạng như tuổi tác, dân tộc và vaccine, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ nhập viện tổng thể từ Delta cao gấp đôi.
Khi chia nhỏ dữ liệu theo tình trạng tiêm chủng, họ xác nhận Delta làm tăng gấp hai lần nguy cơ nhập viện ở người chưa tiêm hoặc tiêm liều đầu tiên dưới ba tuần.
Cuối tháng 9, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố biến chủng Delta thống trị toàn cầu. Delta xuất hiện ở 185 quốc gia, trở thành biến chủng nCoV thống trị khi các biến chủng khác như Alpha, Beta và Gamma chỉ chiếm khoảng 1%.
Trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận biến chủng Delta tại một số địa phương, đặc biệt ở TP HCM. Đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh khiến TP HCM dù đã chuẩn bị để bệnh nhân tiếp cận hệ thống cấp cứu, điều trị nhưng không theo kịp diễn tiến của dịch bệnh. Bộ Y tế sau đó phải liên tục thay đổi chiến lược điều trị với tiêu chí "hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất". Đến nay, số ca tử vong vì Covid-19 đã có xu hướng giảm, số bệnh nhân nặng đang điều trị vẫn còn.
Tính đến sáng 7/10, Việt Nam ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm ở 62 tỉnh thành, trong đó hơn 750.000 người đã khỏi bệnh, hơn 20.000 bệnh nhân đã tử vong.
Lê Nga
vnexpress.net