Có một cánh rừng pá trồng cho con

  • 03/01/2024 07:42:00

Bàn tay pá vẽ màu xanh cho cuộc đời con, để khi cảm thấy mình như cái cây cô đơn giữa mảnh đất xa lạ, con vẫn nghĩ mình còn bộ rễ khỏe luôn tìm được mạch ngầm và màu mỡ trong đất, đẩy nhựa lên cành, lên lá, tỏa bóng che nắng gắt, vững vàng trước gió dông.

Bán hết đất đai, nhà cửa, theo chân bà con người Tày, người Nùng ở bản vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới được một năm thì pá mắc bệnh sốt rét. Cả gia đình dắt díu nhau nhảy xe khách về quê. Từ nắm lá ngoài vườn của bà ngoại, cơn sốt cắt dần, pá bươn trải bãi vàng, bãi quặng thời gian ngắn thấy sự sống mong manh như cỏ nên quyết định đưa vợ con lên đồi ở.

Đồi Diết Rỳ có nghĩa là nằm dài nhưng pá đứng giữa mênh mông cỏ tranh vàng úa. Đôi khóm sim bám rễ trên đất cằn. Trên đầu pá là mặt trời, dưới chân không một bóng cây. Bập nhát cuốc đầu tiên va phải đá, lưỡi cuốc quằn bật lại chân pá, máu ngấm xèo xèo vào đất. Đôi tay hằn vết chai, lá cỏ cứa từng đường, mồ hôi ngấm xót như xát muối.

Pá rủ mọi người lên đồi làm cùng cho vui nhưng ai ai cũng từ chối vì ngại bỏ công không thu được hoa lợi gì. Để có cây trồng, pá theo cán bộ kiểm lâm huyện đạp xe xuống tận lâm trường cách bản hơn ba mươi cây số để thồ từng sọt cây thông con, sa mộc, lát non nớt trong bầu đất đem về, xuống Nà Toàn giúp người ta thu hoạch dứa cả ngày để đổi lấy hai tải ngọn dứa, sang Thạch An xin hạt quế, hạt hồi để ươm.

Có một cánh rừng pá trồng cho con

Ảnh minh họa

Pá lên núi Lam Sơn chặt từng cây nhỏ làm khung lán tạm. Cỏ tranh phơi khô được buộc lại từng gắp lợp làm hai mái. Vậy là đã có chỗ trú nắng mưa. Một cái giếng con con dưới khe có nguồn nước mát lạnh, vừa để giải tỏa cơn khát, nấu cơm cháo, tắm giặt vừa để pá mé xách từng xô nhỏ ngược dốc tưới từng gốc cây. Đất tơi lăn rào rào xuống dốc, pá đào từng hòn đá nặng ken nhau làm bờ kè, cuốc đất từng băng theo sườn đồi, trồng xen sắn, xen đỗ, chuối tiêu lên đó để lấy phân làm màu và có thêm lương thực. Mưa ồ ồ từ bên kia núi với những tia sét đỏ trời giáng xuống đỉnh đồi. Gió tốc mái tranh, cả căn lán ướt nhẹp. Lũ gà con mới gây líu ríu tìm chỗ núp, run rẩy nhìn mây gió vần vũ trên đầu. Nước từ đỉnh đồi đầy ắp vũng trâu đầm ồng ộc chảy thành dòng xối theo tất cả đất vàng xuống thung sâu.

Mưa tạnh, cây đổ rạp, từng rãnh sâu hoắm kẻ ngoằn ngoèo trên công trình của pá mấy tháng trời. Dưới bãi chuối gần bờ ao vừa đào để giữ nước, từng ụ đất lẫn đá đùn lên như những ụ mối khổng lồ, nước còn sùi bọt vàng uôm. Pá hì hục lấy xà beng kẻ từng rãnh thoát nước cho vạt quế, vạt hồi như tấm bản đồ con xem ở trên tường lớp học. Đêm ấy, cả nhà phải ngủ dưới nền đất lạnh, tấm bạt căng đủ ngắm hết sao trời.

Khi cây bắt đầu xanh, sắn, đỗ, ngô được hái vụ đầu thì cỏ mọc um tùm. Cỏ bìm bìm hoa tím leo chằng chịt thân cây. Cỏ may trườn tới chỗ có nắng, ra hoa gài gấu quần con đi tìm sim chín. Trở mình nhanh nhất là cỏ tranh và cây guột, chỉ cần một đốt rễ còn sót lại cũng nở thành khóm, chẳng mấy chốc chiếm hết phân tro. Áo của pá không nhìn rõ mác, gai đã cào rách vài miếng trên vai. Đàn trâu tụi trẻ thả lên đồi. Bọn nó mải mê đi bẫy ong và ăn ổi. Có con trâu phát hiện ra nơi có cỏ, chuông leng keng chạy đến ăn. Chân chúng giày xéo nát gốc đỗ. Sừng chúng ngứa cọ xước thân cây rồi bẻ gập cả khóm chuối vừa trổ buồng. Pá sang vạt rừng già tìm chặt những cọc tre gai, trồng thêm cây kim anh làm hàng rào bảo vệ cho số cây còn non nớt.

Mùa nào thức nấy, cây ngắn ngày như sắn, chuối, dứa, đỗ… được thu hoạch, mé gánh xuống chợ phiên đổi lấy gạo, dầu và sách vở của ba chị em. Một ngày, pá đang cuốc đất ở chỗ đám guột thấp lè tè thì thấy có sợi dây màu đỏ, vốn đã tham gia dân quân tự vệ, pá biết đây là dây nối kíp mìn. Pá bỏ cuốc, chạy tắt qua đồng, lên Ủy ban xã báo cáo sự việc. Các chú bộ đội bên Huyện đội có mặt để đưa quả mìn còn mới nguyên sót lại trong chiến tranh biên giới phía Bắc đem đi tiêu hủy. Pá ôm lấy con, mồ hôi mặn ngấm vào ngày may mắn. Pá phát hiện lũ chuột rừng đến phá hoại sắn. Con chó Milu thể hiện tài năng là một thợ săn tuyệt đỉnh, nó đào tung gốc sắn chỏng chơ, nham nhở vết nhấm trên củ để bắt bằng được thủ phạm, cắn chết rồi tha về báo công. Pá trả ơn nó bằng bữa thịt chuột rừng thơm lừng ngày cuối đông.

Nhìn thấy cánh rừng của pá đã khép tán, một số người dưới bản rủ nhau lên khoanh đất phủ xanh đồi núi trọc. Họ trồng keo lai xuống mảnh đất cằn không hề cày xới. Cây keo vàng vọt, bị mối xông hết gốc rồi chết yểu. Đôi bãi bỏ hoang thành chỗ chăn bò. Có bác chuyển sang trồng thông, sa mộc, mỡ… Pá nhiệt tình sang chia sẻ kinh nghiệm trồng cây. Mùa khô đến, mồi lửa từ chỗ người đốt rẫy lan theo gió, cản không kịp, pá bỏ buổi công đi báo dân phòng lên giúp, cật lực chặt cây xách nước dập lửa vẫn bị xém nửa rẫy thông của chị hàng xóm. Pá thêm việc đào hào, chặt bớt cây đủ đường băng cản lửa phòng cháy rừng.

Con lớn lên với những mùa mận đỏ ửng cành, mùa na thơm phưng phức trên tay, mùa chuối chín vỏ chuyển màu trứng cuốc, dứa mở mắt vàng rộm trong ngàn lá gai… Con hỏi pá sao không trồng keo để nhanh được chặt bán cho thương lái đem bóc ván ép. Pá xoa đầu: “Mảnh đất này đã nuôi sống chúng ta. Cỏ ốt với thân đỗ, lá sắn làm màu cho đất, giun dế xới tơi xốp. Trồng keo nhanh được thu nhưng đất chóng cằn, chúng ta không thể trồng cây gì lên nếu chỉ chăm chăm chặt keo xong và đốt cành lá. Khu rừng này là dành cho các con, cháu của pá”.

Bây giờ, ba chị em con đều đã có gia đình, sự nghiệp ổn định, pá vẫn lặng lẽ ở rừng với mùa hoa, mùa quả, lứa gà, lứa lợn,…làm quà gửi cho mỗi cháu. Tán cây nhãn che góc sân mát rượi là nơi pá hay ngồi uống nhâm nhi chén trà xanh sau khi đã đi một vòng thăm rừng. Con chó Milu đã yên nghỉ ngay gốc cây mận hậu, cháu của nó là con Còi vẫn dỏng tai nghe pá huýt sáo thì nhanh chân chạy trước đi vào cánh rừng quế, rừng hồi đã cao tận trời xanh. Bàn tay pá vẽ màu xanh cho cuộc đời con, để khi cảm thấy mình như cái cây cô đơn giữa mảnh đất xa lạ, con vẫn nghĩ mình còn bộ rễ khỏe luôn tìm được mạch ngầm và màu mỡ trong đất, đẩy nhựa lên cành, lên lá, tỏa bóng che nắng gắt, vững vàng trước gió dông. Pá như hạt dẻ, mang gai góc, phần con ngọt bùi.

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái Họ tên: Hoàng Thị HiềnĐịa chỉ: Cơ quan thường trú Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Khu C, đô thị Cao Xanh, Hà Khánh B, Hạ Long, Quảng Ninh.

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Có một cánh rừng pá trồng cho con - Cuộc Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều