Cà phê là một trong những đồ uống nóng phổ biến nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Cà phê Anh, người dân nước này hiện uống khoảng 98 triệu tách cà phê mỗi ngày.
Cà phê là một thức uống tuyệt vời giúp con người cảm thấy tỉnh táo và tăng năng lượng cho một ngày mới. Hơn nữa, uống một lượng cà phê vừa phải có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy một tách cà phê một ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, tăng cường sức khỏe não bộ và hỗ trợ giảm cân.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, mới đây, bác sĩ Suraj Kukadia - bác sĩ cấp cứu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, cần tránh xa cà phê nếu đang có một trong ba triệu chứng dưới đây.
Triệu chứng báo hiệu nên dừng uống cà phê
Theo bác sĩ Suraj Kukadia, sau khi uống cà phê, nếu cơ thể có các triệu chứng như khó ngủ, lo âu, tim đập nhanh không rõ nguyên nhân thì nên uống ít cà phê hơn hoặc dừng hẳn.
Khó ngủ
Bác sĩ này lưu ý dù việc uống cà phê mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng giấc ngủ cần được ưu tiên.
"Cà phê tồn tại trong cơ thể lâu hơn chúng ta tưởng tượng nghĩ. Điều này có nghĩa là tách cà phê buổi sáng có thể vẫn còn trong cơ thể khi chúng ta cố gắng đi ngủ vào buổi tối, và nó sẽ làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ của bạn”, bác sĩ chia sẻ.
Lý do cà phê ảnh hưởng đến giấc ngủ là vì nó có chứa caffeine một cách tự nhiên. Caffeine là một chất kích thích tự nhiên ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Về ngắn hạn, nó khiến cơ thể tỉnh táo hơn và tăng sự chú ý - đó là lý do tại sao nhiều người uống cà phê vào buổi sáng.
Ảnh minh họa.Tăng nhịp tim
Sau khi tiêu thụ, caffeine đi vào máu, dạ dày, ruột non và bắt đầu kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cụ thể là các thụ thể thuộc các tế bào trong tim để tăng nhịp tim. Tác động của sự kích thích này làm tăng tốc độ lưu thông máu do nhịp tim tăng lên tới khoảng ba nhịp mỗi phút. Việc này có thể diễn ra ngay sau khi uống cà phê 15 phút và cơ thể mất khoảng 6 giờ để đào thải caffeine.
Cách cơ thể phản ứng với caffeine liên quan đến việc người này có thói quen uống bao nhiêu. Những người không quen uống cà phê hoặc nhạy cảm hơn với caffeine có nhiều khả năng bị tim đập nhanh và cần tránh dùng. Đồ uống chứa chất này cũng có thể không có lợi cho những người mắc bệnh tim vì làm tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy ở người trưởng thành khỏe mạnh, việc thường xuyên tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine đôi khi sẽ làm rối loạn nhịp tim ở một số người nhưng lại không ảnh hưởng ở nhóm người khác.
Ảnh minh họa.
Báo cáo từ một nghiên cứu khoa học năm 2017, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác động của việc phục hồi nhịp tim và huyết áp sau khi tập thể dục nhịp điệu. Họ phát hiện ra rằng caffeine có thể trì hoãn việc kiểm soát nhịp tim khiến cơ thể chậm nhịp tim sau khi tập thể dục.
Lo âu
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, caffeine có mối quan hệ trực tiếp với nồng độ cortisol - một hormone gây căng thẳng.
Caffeine làm tăng nồng độ cortisol và adrenaline - giống hệt phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với căng thẳng. Đây là lý do tại sao quá nhiều caffeine có thể gây lo lắng và hồi hộp, đánh trống ngực, thậm chí hoảng loạn.
Uống bao nhiêu cà phê là đủ?
Theo hướng dẫn của NHS, hầu hết mọi người có thể tiêu thụ khoảng 300 - 400mg caffeine mỗi ngày một cách an toàn. Phụ nữ mang thai được khuyên nên tiêu thụ không quá 200mg. Tiêu thụ hơn 600 mg caffeine mỗi ngày có thể gây mất ngủ, căng thẳng, khó chịu, tăng huyết áp và đau bụng.
Ảnh minh họa.Cách cắt giảm cà phê
Nếu là người yêu thích cà phê và không thể chịu đựng được ý nghĩ ngừng uống cà phê hằng ngày, người dùng có thể cân nhắc chuyển sang cà phê decaf. Cà phê decaf được làm từ hạt cà phê thông thường trải qua quá trình loại bỏ phần lớn caffeine.
Một tách cà phê decaf thông thường có khoảng 2 mg caffeine. Còn một tách cà phê thông thường có khoảng 95 mg caffeine.
--> 4 loại nước uống giúp giảm đầy hơi, khó tiêu trong mùa tiệc tùng cuối năm
Phương Anh (Theo Mirror)
Nguồn giadinhonline.vn