Giữ hồn Tết trong gánh tò he

  • 29/02/2024 08:26:27

Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có nghề truyền thống nặn tò he đã tồn tại khoảng 300 năm nay. Chỉ với nguyên liệu chính là bột gạo cùng các loại màu nhuộm từ tự nhiên, người làng Xuân La đã nghĩ ra cách tạo nên các con giống độc đáo làm đồ chơi cho trẻ em trong lúc nông nhàn, để rồi từ đó nghề làm tò he trở thành nghề chính của làng. Xuân La cũng là làng nghề duy nhất trong cả nước có nghề truyền thống độc đáo này còn được lưu giữ, trao truyền đến ngày nay.

Với người dân làng Xuân La, nặn tò he không đơn thuần là một nghề bởi những con tò he luôn mang nặng những giá trị văn hóa phi vật thể. Nó lưu giữ những giá trị tinh thần, văn hóa vô cùng to lớn của người Xuân La và đã tồn tại trong tâm thức người Việt từ bao đời nay. Và mỗi khi Tết đến, xuân về làng Xuân La lại tưng bừng, rộn rã hơn bao giờ hết để mang con tò he đi khắp mọi miền, phục vụ khách du xuân. Người dân làng Xuân La tản mát khắp mọi nơi thổi hồn Tết vào trong những hình thù dung dị và gần gũi.

Giữ hồn Tết trong gánh tò he

Trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam, tò he luôn là một món đồ chơi đặc biệt bởi nét tạo hình độc đáo và sắc màu rực rỡ.

Vào vụ Tết từ tờ mờ sương, ngày nào nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng tất bật với gánh tò he từ làng Xuân La vào trong nội đô. Bên cạnh những mặt hàng và tạo hình truyền thống anh Hậu cũng cố gắng tái hiện hình ảnh của những con vật đại diện của từng năm. Giữa cái lạnh se sắt của Hà Nội ngày đông, phố phường ồn ào và đầy màu sắc, gánh tò he của anh Hậu mang một phong vị rất riêng. Đó là hồn cốt dân tộc được nhào nặn bởi đôi bàn tay của người nghệ nhân. Anh Hậu cẩn thận và chăm chút trong từng động tác vê bột, tỉa bột cho đến tạo hình.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, với sự tài khéo của mình, người Xuân La đã nặn ra các con tò he đủ hình, đủ loại một cách sống động, giống như thật. Nào gà nào lợn, nào chim muông cầm thú, rồi hoa lá, cỏ cây, đến cả nhà, cả đình chùa, thuyền buồm… Hay những bông hồng khi thì màu đỏ chót, đỏ sẫm, khi thì màu vàng, màu hồng phơn phớt với nhụy vàng trông thật mềm mại, sinh động. Rồi con gà trống mào đỏ chót, cổ vươn cao như đang gáy, cánh xòe ra như muốn bay lên trời xanh đón ánh mặt trời…

Bí quyết của người làng Xuân La khi nặn tò he hết sức đơn giản: chỉ một nắm bột nếp được đánh nhuyễn, nấu đủ chín (không được chín quá, nhưng không được sống sượng quá), dẻo mà không dính tay; ba loại màu cơ bản trộn với bột sau đó trộn thành những màu khác nhau rồi véo mỗi cục chỉ hơn đầu ngón tay cái một ít, để riêng ra. Tiếp đó là nặn, rồi lại pha bột, mỗi thứ chỉ véo một tí tẹo đắp vào que tre, dùng ngón cái và ngón trỏ vê bột, lấy cái lược ấn, miết mà thành Tôn Ngộ Không, Thánh Gióng và đủ thứ... Chỉ vậy thôi mà nếu không phải người làng Xuân La, không ăn cơm, uống nước ở đây sẽ không sao học được.

Giữ hồn Tết trong gánh tò he

Để tò he còn mãi với thời gian

Cả đời gắn bó với những gánh tò he, nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh (làng Xuân La) cho biết, cách đây 30 năm, ngày nào ông Đĩnh cũng cùng vợ đạp xe từ làng ra phố, phía sau chở “gia tài” là chiếc hòm gỗ nhỏ, bên trong là những khối bột dẻo đã pha sẵn màu. Cổng đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Công viên Thống Nhất hay Công viên Thủ Lệ… ông bà đều đặn có mặt vào mỗi dịp lễ, Tết, đem đến những món tò he trong trẻo, giản đơn mà chứa đựng sức sáng tạo và biết bao cảm xúc yêu thương hồn hậu được truyền vào cho con trẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh là một trong số những người nung nấu mong muốn làm sao để tò he mãi là món đồ chơi dân gian, níu giữ hồn Việt. Từ khi Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần, tò he đã trở thành “đặc sản”. Dãy tò he sặc sỡ sắc màu như cổ tích của người Xuân La chưa khi nào làm trẻ nhỏ thôi háo hức, khách phương xa trầm trồ. Vào mỗi dịp lễ, Tết, những “gánh” tò he này thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội.

Giữ hồn Tết trong gánh tò he

Đặc biệt, những năm gần đây, vào dịp Tết, các nghệ nhân tò he ở Xuân La lại được mời đến nhiều chương trình nhằm giữ gìn văn hóa Tết Việt. Tại đây, nghệ nhân say mê trình diễn nghề nặn tò he và hướng dẫn các em nhỏ cùng trải nghiệm nghề của quê hương mình. Những em bé vốn quen với các trò chơi nặn đất sét hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến bàn tay của nghệ nhân khéo léo nặn hình các con giáp đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt và ngộ nghĩnh. Sau khi tham gia thử thách, mỗi em được tặng những con tò he yêu thích hoặc theo tuổi của mình để làm kỷ niệm.

Chị Phan Thị Quỳnh Nga (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu được ngạc nhiên khi giữa lòng Thành phố lại có một không gian tết xưa hết sức độc đáo và thú vị đến vậy. “Bản thân tôi cũng như bạn bè thực sự vui khi được tham gia trải nghiệm các hoạt động để hiểu thêm những nét đẹp của Tết cổ truyền, tìm về ký ức tuổi thơ. Mọi người đi từ tò mò đến thích thú và cảm thấy rất lắng đọng vì đây là những hình ảnh xưa cũ nhưng có giá trị kết nối giữa các thế hệ”, chị Nga chia sẻ.

Mộc mạc, bình dị nhưng đã vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt. Mong rằng, nghề làm tò he sẽ luôn được lưu giữ và ngày một phát triển.

-> Ý nghĩa những món ăn truyền thống ngày Tết

Phương Linh

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Giữ hồn Tết trong gánh tò he - Cuộc Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều