Theo GS Mai Trọng Khoa, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại Việt Nam đang ở ngưỡng báo động và có 5 yếu tố tổ hợp lại dẫn tới tình trạng này.
Báo động số ca mắc và tử vong do ung thư
Tại Việt Nam và trên thế giới, số ca mắc ung thư ngày một tăng lên. Trong đó, về số lượng ca mắc mới và loại mặt bệnh ung thư đều tăng lên. Riêng tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư tính chung cho cả hai giới thì ung thư gan đang đứng vị trí số 1.
Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 của Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó Chủ tịch Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam, cho hay không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tỷ lệ mắc mới ung thư vẫn đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, ở một số nước phát triển, tỷ lệ tử vong do ung thư hàng năm có chiều hướng giảm. Còn tại Việt Nam, số ca mắc và ca tử vong đều tăng lên.
"Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư và tử lệ tử vong do ung thư đang ở ngưỡng báo động. Đây là thách thức lớn cho hệ thống y tế, gánh nặng cho công tác phòng chống bệnh ung thư, thậm chí là gánh nặng về kinh tế", GS Trọng Khoa nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2 được GS Trọng Khoa đặc biệt lưu ý là tỷ lệ trẻ hoá ung thư cao. Về nguyên tắc, khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư ngày càng lớn (quy luật tự nhiên). Nhưng có những loại ung thư ở thập kỷ trước mắc ở lứa tuổi trung niên thì nay lại mắc ở người rất trẻ, thậm chí là trẻ em.
Ví dụ, trước đây ung thư dạ dày thường gặp ở nhóm tuổi trung niên. Nhưng hiện nay, trong quá trình thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ đã gặp cả những trường hợp rất trẻ là học sinh phổ thông mắc ung thư dạ dày.
Lý giải về nguyên nhân ung thư tại Việt Nam vẫn đang gia tăng số ca mắc và tử vong, GS Trọng Khoa cho rằng, ung thư không thể do một nguyên nhân mà có rất nhiều yếu tố tổ hợp lại.
GS Mai Trọng Khoa chia sẻ. Ảnh: Ngọc Minh.
Yếu tố thứ nhất: Xét ở phương diện khách quan, khi dân số tăng (quần thể dân cư đông lên) thì số người mắc các bệnh sẽ tăng, không chỉ riêng ung thư.
Yếu tố thứ 2: Tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay đang tăng lên (già hoá dân số). Theo quy luật tự nhiên, số người già tăng lên thì tần suất xuất hiện ung thư cũng tăng lên.
Yếu tố thứ 3: Hiện nay, người dân đã có ý thức quan tâm tới sức khoẻ nhiều hơn. Do vậy, người dân sẽ đi khám để phát hiện ung thứ sớm.
Yếu tố thứ 4: Khoa học công nghệ phát triển, nhiều máy móc, xét nghiệm giúp sớm phát hiện khối u rất nhỏ, ở giai đoạn rất sớm.
Yếu tố thứ 5: Là môi trường. GS Trọng Khoa khẳng định: "Khi môi trường bẩn, nguồn nước kém chất lượng thì chắc chắn là yếu tố quan trọng (môi trường không phải là yếu tố duy nhất) gây ung thư".
Tuy nhiên, môi trường cũng chỉ là một yếu tố trong rất nhiều nguy cơ. Vì trên thực tế, ở những nơi có môi trường trong sạch, tỷ lệ mắc mới ung thư vẫn tăng.
Ngoài ra, chủng tộc, quốc gia, thói quen ăn uống cũng là một trong các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Ví dụ, tại Mỹ, ung thư tuyến tiền liệt rất cao, còn ở Việt Nam ung thư gan lại cao.
Phòng ngừa ung thư không hề khó
Theo GS Trọng Khoa, đối với ung thư, quan trọng nhất là vấn đề chẩn đoán. Trước kia chẩn đoán ung thư chỉ bằng nhìn, sờ, gõ... Hiện nay, điện quang và y học hạt nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư sớm.
Việt Nam có hầu hết các thiết bị điện quang và y học hạt nhân hàng đầu trên thế giới để phát hiện ung thư sớm. Trong điều trị, Việt Nam cũng đã áp dụng hầu hết các phương pháp điều trị ung thư hiện đại: phẫu thuật, xạ trị, miễn dịch, thuốc đích… Tuy nhiên, hiện nay sự phân bố công nghệ hiện đại không đồng đều ở các vùng miền và bệnh viện.
"AI (trí tuệ nhân tạo) đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành y. Ở Việt Nam hiện nay AI đang dần được áp dụng trong lĩnh vực điện quang và y học hạt nhân", GS Trọng Khoa cho hay.
GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, cũng cho biết thêm hiện nay, trình độ của bác sĩ điện quang và y học hạt nhân được đào tạo bài bản cùng với kỹ thuật tiên tiến đã giúp chẩn đoán được bệnh tật nói chung và ung thư sớm hơn.
GS. Phạm Minh Thông. Ảnh: Ngọc Minh
Thực tế, trong quá trình tiếp đón và điều trị, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư sớm qua thực hiện các kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân như: ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan…
"Đối với bệnh ung thư, khi chẩn đoán sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội khỏi hoàn toàn. Có trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan nhờ được chẩn đoán sớm, nút mạch, bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn", GS Phạm Minh Thông nói.
Theo GS Trọng Khoa, để phòng ngừa ung thư không hề khó. Ung thư có 2 yếu tố bên ngoài và bên trong.
Trong đó, yếu tố bên trong là di truyền hay yếu tố gia đình. Tuy nhiên, yếu di truyền chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Một số bệnh ung thư có yếu tố gia đình như: ung thư vú, đại tràng do đa polyp.
Yếu tố từ bên ngoài bao gồm tổ hợp rất nhiều yếu tố môi trường, thói quen ăn uống…
"Để phát hiện sớm ung thư, mỗi người dân cần có kiến thức và sự quan tâm tới sức khoẻ để sàng lọc ung thư sớm. Cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học. Bên cạnh đó, cần có sự truyền thông để người dân nâng cao được ý thức chăm sóc sức khoẻ", GS Trọng Khoa nhấn mạnh.
soha.vn