Không chỉ là nạn nhân trực tiếp của các vụ lừa đảo trực tuyến, trẻ em và người già còn có thể bị các đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân để tấn công lừa đảo những người thân của họ.
Lời tòa soạn:
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
Bài 1: Nghe cuộc gọi giả danh công an, tiền tỷ của giáo viên, giáo sư 'ra đi' phút chốcBài 2: Chiêu trò giả làm nhân viên ngân hàng tuyển người xử lý đơnBài 3: Mất tiền đau vì tin vào cuộc gọi DeepfakeBài 4: Lừa đảo trên không gian mạng tăng mạnh sau đại dịchGia tăng số vụ lừa đảo nhắm vào trẻ em và người già
Ngay trong tháng 6/2023, qua trang cảnh bảo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã nhận được yêu cầu giúp đỡ từ chị N.H.A về việc mẹ của chị bị kẻ xấu lừa chiếm đoạt 30 triệu đồng. Từ tài khoản Facebook hack được của một người họ hàng nạn nhân, để tăng niềm tin và dẫn dụ người dùng thực hiện lệnh chuyển tiền, đối tượng lừa đảo không chỉ liên tục thúc giục mà còn sử dụng cả thủ đoạn gọi video nhưng giả vờ như tín hiệu kém để tắt máy ngay sau đó.
Tiếp đó, vào đầu tháng 7/2023, trang canhbao.khonggianmang.vn cũng đã nhận được phản ánh của một phụ huynh về việc con gái lớp 5 của mình, qua 1 diễn đàn những người chơi game online, đã bị một đối tượng lừa gạt tình cảm và dẫn dụ gửi chụp ảnh nhạy cảm. Kẻ xấu sau đó đã dùng hình ảnh nhạy cảm của bé gái để tống tiền gia đình em.
Các trường hợp trên chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc lừa đảo đã được người dân phản ánh tới Cục An toàn thông tin thời gian gần đây. Cùng với nhận định lừa đảo trực tuyến có xu hướng gia tăng mạnh trên không gian mạng Việt Nam thời gian gần đây, đại diện Cục An toàn thông tin cũng chia sẻ nạn nhân của các vụ lừa đảo đang có sự dịch chuyển, nhắm đến nhóm đối tượng người yếu thế, đặc biệt là người già và trẻ em.
Lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là các vụ lừa đảo nhắm vào trẻ em và người cao tuổi. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến được Cục An toàn thông tin ghi nhận nửa đầu năm nay, các vụ lừa đảo nhắm tới trẻ em chủ yếu tập trung vào 3 hình thức gồm lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm và lừa cung cấp dịch vụ lấy lại Facebook.
Trong khi đó, các hình thức lừa đảo nhắm tới người cao tuổi không những nhiều mà còn đa dạng hơn với 15 hình thức như: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng…
Hình thành những “lá chắn” bảo vệ các đối tượng yếu thế
Trao đổi với PV VietNamNet, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, trẻ em và người già là một trong những nhóm đối tượng mà kẻ lừa đảo thường nhắm đến.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS nhận định trẻ em, người già là những đối tượng nhận được sự quan tâm lớn nhất trong mỗi gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung. Không những có thể là nạn nhân trực tiếp của những vụ lừa đảo, trẻ em và người già còn có thể bị các đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân để tấn công lừa đảo những người thân của họ.
Trong trường hợp là nạn nhân trực tiếp, trẻ em và người già thường ít được tiếp cận, cập nhật các thông tin liên quan đến chống lừa đảo. Điều này khiến cho họ không có đủ sức đề kháng để đối phó các thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu. “Với trường hợp là nạn nhân bị lợi dụng, các thông tin của trẻ em và người già thường ít được bảo vệ một cách chặt chẽ nên dễ bị lộ lọt. Bản thân trẻ em và người cao tuổi cũng không có nhiều kinh nghiệm để tự bảo vệ thông tin cá nhân, tránh lộ lọt”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
Chia sẻ góc nhìn của đơn vị đang tham gia cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em, các hộ gia đình, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Cyber Purify cho hay, ai cũng có thể bị lừa đảo nhưng nguy cơ với đối tượng trẻ em và người già cao hơn cả. Bởi lẽ, trẻ em chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, còn nhiều người già lại muốn kiếm thêm thu nhập và cũng không quá rành về công nghệ.
Nói về lý do trẻ em và người già là “đích ngắm” ưa thích của các nhóm lừa đảo trực tuyến, Chủ tịch Công ty An ninh mạng thông minh (SCS) Ngô Tuấn Anh phân tích: "Khi phổ người dùng Internet và các thiết bị thông minh mở rộng, có thêm nhiều người già và trẻ em sử dụng smartphone để tham gia vào môi trường mạng. Đây là nhóm đối tượng hầu như chưa có sức đề kháng trước các cách thức tấn công mạng, vì thế họ thường xuyên bị kẻ xấu nhắm đến".
Các chuyên gia cho rằng, cần có sự tham gia của các bên vào việc bảo vệ trẻ em, người cao tuổi trước các bẫy lừa đảo trực tuyến. (Ảnh minh họa: Duy Vũ)
Để nhóm đối tượng yếu thế có thể tránh được các bẫy lừa đảo trực tuyến, chuyên gia Ngô Tuấn Anh cho rằng, cần có sự tham gia của tất cả các bên, gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin cũng như bản thân người dùng.
Bên cạnh đề xuất các cơ quan chức năng mạnh tay hơn trong xử lý các vụ lừa đảo, đại diện Công ty SCS cho rằng, cần có những biện pháp giúp chủ động bảo vệ trẻ em, người già: “Các đường link lừa đảo, mã độc cần được chủ động ngăn chặn. Điều này hiệu quả nhất khi chúng ta có công cụ giúp tự động ngăn chặn ngay từ cửa ngõ kết nối mạng của hộ gia đình, thay vì sử dụng các giải pháp bảo vệ ở thiết bị đầu cuối”.
Còn theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, trẻ em và người cao tuổi tự bản thân khó có thể tránh được các bẫy lừa đảo. Vì thế, những người thân trong gia đình như bố mẹ, con cháu, hay những giáo viên, người hướng dẫn ở trường phải là những “tấm lá chắn” để hỗ trợ bảo vệ các đối tượng này trước các cuộc tấn công lừa đảo trên mạng. Bên cạnh việc cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ, những người trợ giúp cần thường xuyên trao đổi, lắng nghe nhu cầu của trẻ em và người cao tuổi để kịp thời tư vấn, hỗ trợ họ giao dịch trực tuyến an toàn.
Nhấn mạnh đa phần các đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người dùng, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc cho rằng, vấn đề quan trọng, cốt lõi hơn cả là nâng cao nhận thức của người dùng, giúp họ nhận biết được các tình huống lừa đảo hay xảy ra, không tin vào người lạ, luôn xác thực lại thông tin trước khi giao dịch…
Vân Anh
Nguồn infonet.vietnamnet.vn