Tính từ cuối tháng Một đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.200-2.500 lượt bệnh nhân, chủ yếu là nhóm bệnh lý liên quan đến hô hấp, tai mũi họng, tim mạch…
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng cho hay: “So với năm ngoái, số lượng người bệnh đến khám ngoại trú, điều trị nội trú tăng từ 15 - 20%. Trong đó, người bệnh mạn tính, viêm phổi, hen suyễn cấp… cũng tăng lên. Có khoảng 8-10 bệnh nhân thở máy xâm lấn và không xâm lấn. Đa số bệnh nhân lớn tuổi. Khoa có 50 giường bệnh nhưng đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhân nội trú nên một số người phải nằm trên băng ca”.
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng khám bệnh cho cụ ông đang nhập viện điều trị |
Mấy ngày qua, chị Cẩm Hồng (42 tuổi, ở quận 10) luôn túc trực bên mẹ là bà T.T.H.Y. (84 tuổi) bị viêm phổi nặng. Do thời tiết nóng bức, người thân thường bật máy lạnh để bà Y. dễ ngủ. Sau khoảng 1 tuần, bà ho húng hắng, vài lần cảm thấy khó thở, chóng mặt nhưng không nói vì sợ phiền con cháu mà bà tự đi mua thuốc uống. Cách nhập viện 3 ngày, bà bị nhiều cơn ho kéo dài, thở mệt. Khi đến Bệnh viện Thống Nhất khám, bác sĩ chẩn đoán bà Y. bị viêm phổi cấp, phải nhập viện điều trị. “Vừa nhập viện, mẹ tôi phải thở ô xy râu ngay, đến nay đã 4 ngày, các triệu chứng đỡ nhiều. Có thể trước đó, mẹ tôi quá nóng nực nên đi tắm gội, chưa kịp sấy tóc đã vào phòng máy lạnh nên phát bệnh” - chị Hồng chia sẻ.
Có tiền sử hen suyễn, tăng huyết áp, hở van tim, ông N.T.N. (72 tuổi, ở huyện Hóc Môn) thường đi khám định kỳ để lấy thuốc uống. Cả tháng nay, ông luôn thấy mệt mỏi, thở khó, ăn uống cũng không ngon vì quá nóng nực. Dù được con cháu chăm sóc rất kỹ, ông vẫn gặp một vài cơn hen suyễn cấp phải phun khí dung cắt cơn. Ông nói: “Cả tuần vừa rồi, tôi không ngủ được vì cứ đêm xuống là ho rất nhiều, liên tục, uống thuốc vẫn không khỏi. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện luôn bởi ngoài hen suyễn, tôi còn bị viêm phế quản”.
Theo bác sĩ Ngô Thế Hoàng, 2 bệnh nhân trên được người thân đưa vào bệnh viện kịp thời nên thoát được các đợt suy hô hấp cấp. Hiện tại, khoa có 2-3 trường hợp nặng, đến muộn phải thở máy kéo dài. Chưa kể đến bệnh nhân bị tim mạch, đái tháo đường, suy thận cũng có xu hướng gia tăng.
Số lượng bệnh nhân có thể còn tăng
Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại TPHCM, nhiệt độ ngày 12 - 13/3 vẫn cao, buổi sáng dao động từ 24-34 độ C, buổi chiều từ 34-36 độ C, trời nắng gắt, ít mây, trời oi bức, chỉ số UV lên đến 11 - ngưỡng được đánh giá rất nguy hại.
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng cho biết nắng nóng như thiêu đốt, nhiều người cao tuổi sẽ khó chịu đựng nổi. Vào tháng Ba, tháng Tư, tình hình nắng nóng sẽ vào cao điểm, kèm theo những cơn mưa đầu mùa. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể dẫn đến bệnh nhân, nhất là người cao tuổi cũng tăng lên nhiều hơn. “Để đón đầu, Bệnh viện Thống Nhất đã có kế hoạch tăng cường quản lý các mặt bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh mạn tính, nếu cần thiết hay nhận thấy triệu chứng bệnh tiến triển nặng, các bác sĩ sẽ cho người bệnh nhập viện điều trị sớm” - bác sĩ Ngô Thế Hoàng nói.
Ông nhấn mạnh quan trọng vẫn là điều trị dự phòng đối với người cao tuổi. Khi nắng nóng thân nhiệt người cao tuổi điều chỉnh kém đi, bệnh nhân dễ bị mất nước, mất điện giải. Có người đang ngoài nắng nóng, vào phòng máy lạnh quá lạnh dễ bị sốc nhiệt, tổn thương, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây viêm phổi, đợt cấp của hen, đợt cấp của viêm phổi mạn tính.
Vì vậy, trong gia đình có người cao tuổi, người thân nên hỗ trợ chăm sóc, quan tâm hơn tới sức khỏe của ông bà, cha mẹ mình. Người có bệnh lý nền phải tuân thủ điều trị, tái khám, uống thuốc đầy đủ. Hạn chế ra khỏi nhà trong thời điểm nắng nóng. Khi sử dụng máy lạnh, tránh để nhiệt độ quá thấp (dưới 26 độ C). Để phòng tránh nguy cơ sốc nhiệt, nên tắt máy lạnh, mở cửa khoảng 20 phút trước khi ra ngoài. Trường hợp cần thiết phải ra ngoài, nên mang khẩu trang, mặc quần áo dài tay, thoáng mát để duy trì thân nhiệt ổn định, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Trong bữa ăn hằng ngày, cần có nhiều rau xanh, trái cây nhằm đảm bảo người cao tuổi được bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng. Ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, uống nhiều nước cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tranh thủ thời gian buổi sáng, buổi chiều, ít nắng cùng người thân tập thể dục nhẹ để duy trì sức khỏe.
Ngoài ra, khoảng cuối tháng Tư, người nhà cần đưa người thân cao tuổi đến các cơ sở y tế tiêm ngừa cúm, phế cầu để dự phòng khi thời tiết chuyển sang mùa mưa. Trường hợp ông bà, cha mẹ than nhức đầu, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, rối loạn giấc ngủ… cần đưa đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chủ độngphòng ngừa các bệnh do nắng nóng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như say nắng, say nóng và đột quỵ. Do người dân tiếp xúc nắng nóng liên tục, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Để phòng ngừa các bệnh do nắng nóng, HCDC khuyến cáo người dân nên uống đủ nước, hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, nhất là thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ. Khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang, mang váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân. Chọn những chất liệu vải thông thoáng và dễ thấm hút mồ hôi. Nếu có thể, hãy làm việc trong môi trường ít nắng (buổi sáng, buổi chiều), chủ động làm việc trong bóng râm, nơi có mái che, có hệ thống điều hòa, quạt thông gió… để hạ nhiệt. Làm việc khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ thì nên nghỉ ngơi, có thời gian cho cơ thể thích nghi với nhiệt độ khi thay đổi môi trường. Ngoài ra, cần ăn uống hợp lý, đủ chất, tránh uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn..., tránh sử dụng các loại đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo. |
Phạm An
Chia sẻ bài viết: | Chia sẻ |
Nguồn www.phunuonline.com.vn