Ở Việt Nam, thời điểm hiện nay, nhu cầu mua ô tô ngày càng lớn, doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô sản xuất, dự báo về một tương lai nhu cầu nhân lực ngành ô tô sẽ ngày càng cao. Không mấy ngạc nhiên khi nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp săn đón, mời làm việc, thu nhập cao từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một trong những ngành nghề đang phát triển, nhu cầu lao động tăng mạnh với mức lương thưởng hấp dẫn.
1. Nhân lực ngành ô tô trở nên hấp dẫn
Với nhu cầu nhân lực của xã hội, trong thời gian gần đây, lượng thí sinh dự tuyển đăng ký ngành ô tô ngày càng cao hơn. Do đó, các trường đại học đã tăng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cùng với nâng cao điểm đầu vào. Ví như trường Đại học Giao thông vận tải năm 2019, trường chỉ tuyển 236 sinh viên với điểm trúng tuyển là 20,95 vào ngành kỹ thuật ô tô. Con số này đã tăng lên tới 330 chỉ tiêu với điểm trúng tuyển từ 24,55 - 25,1 trong năm 2020 và 2021. Năm 2022 gần đây nhất, ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô có mức điểm chuẩn là 23.75 dành cho ưu tiên nguyện vọng 1.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành ô tô hiện nay được đánh giá có nhu cầu về nhân sự lớn, được coi là một trong những ngành “hot” nhất của trường trong 5 năm gần đây. Điểm chuẩn của ngành cũng tăng lên theo lượng thí sinh tăng mạnh. Với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 300 sinh viên ngành ô tô và có thể sẽ nới thêm, trung bình mỗi môn vẫn cần được 9 điểm thì thí sinh mới có thể đỗ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ ô tô là ngành luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai, kéo theo nhu cầu nhân lực của ngành sẽ ngày một gia tăng.
2. Học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô làm gì sau khi tốt nghiệp?
Ô tô đang trở thành phương tiện thông dụng và được ưa chuộng ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nhu cầu nhân lực cho quá trình bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu, cải tiến công nghệ và dòng sản phẩm mới đều tăng lên. Đặc biệt, thị trường luôn đòi hỏi các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có trình độ kỹ thuật cao để đảm nhận các vị trí quan trọng.
Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp ngành ô tô, nhân lực không chỉ tham gia vào các công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn có thể làm nhiều lĩnh vực có liên quan, chẳng hạn như nhân sự trong các hoạt động xuất nhập khẩu ô tô, kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm, chuyên gia kỹ thuật tại các doanh nghiệp cung ứng phụ tùng, linh kiện ô tô hay cố vấn dịch vụ đại lý…
Để tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm việc làm tốt khi ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn, tay nghề, sinh viên nên chú trọng kỹ năng tiếng Anh để có thể dễ dàng tiếp xúc với những tài liệu tham khảo của nước ngoài về chuyên ngành mình học, từ đó tăng thêm cơ hội và năng lực của bản thân để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ ô tô, nhà quản lý, nhà kinh doanh, những chuyên gia giỏi về dịch vụ ô tô, cơ khí, chế tạo ô tô…
Có thể thấy, đây là ngành học với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều cơ hội thăng tiến và khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.
3. Nên học Kỹ thuật ô tô ở đâu?
Với nhóm ngành Kỹ thuật Ô tô, các bạn nên lựa chọn học tại những trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên về khối nghề công nghệ – kỹ thuật. Trong đó, những ngôi trường trọng điểm có đào tạo ngành ô tô dành cho thí sinh quan tâm là:
Đối với hệ đại học:
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Giao thông vận tải Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM…
Đối với hệ cao đẳng:
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn...
Nguồn phunutoday.vn