Quảng NgãiNhiều nông dân nuôi mộng trồng cây dó bầu để tạo trầm nhưng hơn 10 năm trôi qua chúng biến thành những khúc gỗ vô giá trị.
Trầm hương và kỳ nam được hình thành từ lõi của cây dó bầu, có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng một kg. Hơn 20 năm trước, câu chuyện về những người thợ rừng bỗng chốc thành tỷ phú vì tìm được trầm lan truyền khắp nơi, mê hoặc bao trai tráng vào rừng tìm trầm với hy vọng đổi đời.
Nhiều người đã phải bỏ mạng vì lạc đường, gặp bão lụt, thú dữ, chém giết nhau... Chuyện thực pha lẫn chuyện hư khiến cho giấc mộng trầm hương càng có sức lôi cuốn nhiều người.
Khi nguồn trầm hương, kỳ nam... tự nhiên trong rừng đã cạn kiệt, nhiều người tìm cách tạo trầm hương bằng cách tiêm axit, chế phẩm sinh học vào cây gió bầu tự trồng. Những lời quảng cáo, hứa hẹn của các công ty bán giống: Trồng 1.000 cây dó bầu, 10 năm thành tỷ phú... như giấc mơ treo lủng lẳng trước mắt nhiều nông dân.
Ông On bên một cây dó bầu đã chết. Ảnh: Phạm Linh.
15 năm trước, ông Hồ Thanh On ở thôn Đông, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng hơn 30 tuổi. Khác với những chàng thanh niên khác, ông không đặt hy vọng vào cây keo, cây sưa..., những loại cây được thu mua hàng năm mà đặt cược vào "canh bạc" lớn.
Một người bà con làm công nhân cho trại giống dó bầu ở Bình Phước mách nước ông về "bí quyết" để thành tỷ phú. Thế là ông mua hạt ươm 5.000 cây dó bầu, bán cho hàng xóm 4.000 cây, riêng ông giữ lại 1.000 cây trong vườn nhà, trên rẫy.
"Với chừng đó cây dó, 10 năm sau bán mỗi cây 10 triệu thì được 10 tỷ", người đàn ông này nhẩm tính. Thế nhưng, trồng được vài năm thì cây chết hàng loạt, cây sống mòn mỏi chờ người mua.
Ba năm trước, tức 12 năm sau khi trồng dó bầu, ông mới bán được 116 cây dó với giá 55 triệu đồng cho tư thương ở Đà Nẵng. Họ khoan đục lỗ cho thuốc vào cấy, nhưng ba năm qua chưa tạo được trầm hương.
Ông On đã thử khoan thân cây để cấy trầm nhưng không thành công. Ảnh: Phạm Linh.
Giấc mộng tỷ phú tan tành, ông On vẫn sống trong ngôi nhà cũ kỹ lọt giữa vườn dó bầu xác xơ. Bão số 9 năm ngoái làm nhiều cây dó ngã xuống mái nhà gây hư hỏng, nhưng bốn tháng qua ông không buồn sửa lại.
Chỉ vào cây huỳnh đàn nơi góc vườn, ông On tiếc, nếu xưa trồng huỳnh đàn thì giờ kinh tế đã khá khẩm, cây huỳnh đàn có giá trị lấy gỗ, còn cây dó bầu nếu không tạo được trầm chỉ làm củi vì thân mềm, xốp.
Cùng "khởi nghiệp" với ông On, ông Hồ Văn Kỳ, ở cùng thôn cũng trồng hàng trăm cây dó bầu, nhưng chỉ còn lại 20 cây do cây bệnh tật, chết dần. Gần đây, ông hỏi thợ chuyên cấy trầm thì được biết giá thuốc đến vài triệu đồng một lít (một lít cấy được 2-3 cây), nhưng chưa chắc đã thành công nên ông không dám phiêu lưu. Giấc mơ tạo trầm bỏ dở, vườn dó bầu của ông được thương lái mua với giá một triệu đồng một cây để làm nhang nhưng ông không bán vì tiếc rẻ công chăm sóc.
Đi rừng từ nhỏ, ông Kỳ nói rằng trong hàng triệu cây dó bầu trong rừng mới có một cây có trầm. Trầm hương và kỳ nam tự nhiên có ở những cây dó lâu năm bị thương tích, tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, lâu ngày kết tinh thành. "Hồi đó mình kỳ vọng nhưng đúng là chích thuốc không dễ gì tạo được trầm, nếu có chỉ tạo ra được loại chất lượng thấp, giá không cao", ông Kỳ đúc kết.
Ông Đinh Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết, nhiều năm trước hàng chục người dân của xã trồng dó bầu nhưng đến nay chưa ai tạo được trầm. Cây dó được bán cho doanh nghiệp với giá rẻ, vì trồng dó bầu không hiệu quả nên bà con phá bỏ trồng cây khác.
Vườn dó bầu của người dân xã Trà Sơn ngã đổ sau những cơn bão năm 2020. Ảnh: Phạm Linh.
Một công nhân chuyên cấy tạo trầm cho doanh nghiệp ở Quảng Nam tiết lộ, không chỉ ở Trà Sơn, khoảng 15 năm trước, nhiều người dân xã Trà Thủy, Trà Thanh huyện Trà Bồng cũng chạy đua trồng dó bầu. Nhưng việc cấy tạo trầm không đơn giản như nhiều người nghĩ, bản thân anh cũng chưa cấy tạo được thành công.
Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loài dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, chất lượng chế phẩm loại thuốc cấy tạo trầm... "Do nhiều yếu tố như vậy nên trong rừng tự nhiên vốn đã khó tạo trầm, một cây dó bầu trồng 10 năm ở ngoài càng khó", anh nói.
Thực tế, người dân Bình Phước, Đồng Nai... những nơi tiên phong trong việc trồng dó bầu tạo trầm cũng từng vỡ mộng sau nhiều năm ồ ạt trồng.
Bà Phạm Thị Phú Tiên, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập cây dó bầu từ Đồng Nai, Quảng Nam... để sản xuất hương trầm hơn 10 năm ở Quảng Ngãi cho rằng, khi không tạo được trầm, cây dó bầu chỉ là loài cây gỗ mềm, so với các loài cây khác, cây này không mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.
Phạm Linh Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net