Viêm xoang có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Ngược lại, hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang.
Viêm xoang gây đau, áp lực và tắc nghẽn trong các hốc xoang, thường liên quan đến bệnh hen suyễn. Khi người bệnh cùng lúc bị viêm xoang và hen suyễn, các triệu chứng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ, khoảng một nửa số người bị hen suyễn từ trung bình đến nặng cũng bị viêm xoang mãn tính.
1. Viêm xoang ảnh hưởng tới bệnh hen suyễn như thế nào?
Viêm xoang không trực tiếp gây ra bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, viêm xoang có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh này như bùng phát cơn hen suyễn nghiêm trọng, gây rối loạn giấc ngủ.
Ngược lại, hen suyễn cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng xoang nên cần quản lý tốt cả hai bệnh lý này.
Trên thực tế, nếu bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, bạn có thể có nguy cơ cao bị viêm xoang mãn tính. Cả hai tình trạng này đều gây ra tình trạng viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến đường thở và xoang.
Hen suyễn dị ứng và viêm mũi dị ứng cũng có thể dẫn đến sưng tấy trong xoang, do đó gây tắc nghẽn vì xoang không thể thoát ra ngoài như bình thường.
Viêm xoang có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn (Ảnh: Internet)
Bệnh hen suyễn phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Trào ngược axit (GERD) và hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ người bị hen suyễn phát triển thành viêm xoang.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, điều trị viêm xoang kịp thời có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn.
2. Triệu chứng của viêm xoang và hen suyễn
Nếu gặp tình trạng viêm xoang, người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng phổ biến như:
- Nghẹt mũi
- Đau ở trán và má
- Đau răng
- Ho
- Nước mũi đặc, có màu
- Mệt mỏi
- Sốt (chỉ trong trường hợp cấp tính)
Viêm xoang cấp tính thường phát triển sau cảm lạnh hoặc cúm và được xác định bằng các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần. Tuy nhiên, các triệu chứng của loại viêm xoang này thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Ho, nghẹt mũi là 2 triệu chứng dễ nhầm lần giữa viêm xoang và hen suyễn (Ảnh: Internet)
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh hen suyễn như:
- Ho dai dẳng, thường ho vào ban đêm
- Khó thở, tức ngực hoặc cảm thấy nặng nề ở ngực
- Thở khò khè
Nếu bị hen suyễn dị ứng, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như hắt xì, sổ mũi, ngứa mắt, mũi và cổ họng, chảy nước mắt, quầng thâm mắt.
Tuy nhiên, một vài triệu chứng như ho, nghẹt mũi có thể vừa là dấu hiệu của viêm xoang, lại là triệu chứng của hen suyễn nên dễ gây nhầm lẫn.
3. Làm thế nào để cải thiện viêm xoang và hen suyễn hiệu quả
Điều trị cả viêm xoang và hen suyễn có thể liên quan đến sự kết hợp của các loại thuốc sau:
- Thuốc chống dị ứng
- Thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi
- Thuốc steroid dạng hít
- Thuốc xịt mũi steroid
- Chất điều chỉnh leukotriene cho bệnh hen suyễn dị ứng
- Chích ngừa dị ứng (liệu pháp miễn dịch)
- Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc tác dụng dài để giúp thư giãn đường thở và giảm các triệu chứng hen suyễn
- Steroid đường uống để giúp giảm cả viêm mũi và đường thở (chỉ trong trường hợp nghiêm trọng)
Trong trường hợp viêm xoang cấp tính, có thể phải dùng kháng sinh nếu bệnh do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không hữu ích trong việc điều trị viêm xoang mãn tính.
Tuy nhiên, khi điều bằng thuốc cần tham khảo và sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhất là các trường hợp cần dùng kháng sinh.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm giảm triệu chứng viêm xoang, hen suyễn (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một vài biện pháp tại nhà để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng, giúp cơ thể thoải mái hơn như:
- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường, tiếp xúc với nhiều khói bụi, môi trường có nhiệt độ lạnh.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày với nước muối (nên dùng nước muối Natri Clorid 0,9% để rửa mũi).
- Bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể
- Tập thể dục nhẹ nhàng, ưu tiên các bài tập yoga, thiền, đi bộ, tập hít thở, …
- Nếu lên các cơn hen nghiêm trọng cần sử dụng thuốc
4. Một số cách ngăn ngừa viêm xoang và hen suyễn
Khi bị cả viêm xoang và hen suyễn khá nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, mọi người nên có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khoẻ.
Phòng ngừa viêm xoang
- Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực và mũi khi trời trở lạnh
- Dùng khẩu trang khi ra đường, điều này vừa giữ ấm cho mũi lại ngăn ngừa khói bụi, nấm mốc xâm nhập vào mũi
- Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm. Vì viêm xoang có thể phát triển sau cảm lạnh, cảm cúm hoặc phản ứng dị ứng.
- Tăng cường sức đề kháng bằng lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, thường xuyên tập thể dục.
Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng giúp ngăn ngừa được bệnh viêm xoang và hen suyễn (Ảnh: Internet)
Phòng ngừa hen suyễn
- Tránh xa các hóa chất, mùi hoặc các sản phẩm đã gây ra các vấn đề về hô hấp.
- Giảm tiếp xúc với chất gây dị ứng, chẳng hạn như bụi hoặc nấm mốc.
- Duy trì trọng lượng vừa phải. Bệnh hen suyễn có xu hướng nặng hơn ở những người thừa cân và béo phì. Hơn nữa, giảm cân có lợi cho tim, khớp và phổi của bạn.
- Quản lý căng thẳng vì đây là một trong những tác nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn. Căng thẳng cũng có thể làm cho việc ngăn ngừa cơn hen suyễn trở nên khó khăn hơn.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế thực phẩm có chứa chất bảo quản, đồ đông lạnh, chiên rán, rượu bia, …
- Tập thể dục thường xuyên, tuy nhiên nếu khi lên cơn hen, nên hạn chế vận động mạnh vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Có thể nói, viêm xoang và hen suyễn là hai bệnh nhiều người thường mắc phải, thậm chí mắc cả 2 bệnh cùng lúc. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người bệnh. Vì vậy, mọi người nên có chế độ ăn uống, lối sống khoa học để phòng ngừa bệnh, nhất là những người bị viêm xoang và hen suyễn mạn tính.
Nguồn phunuvietnam.vn